Những ngày tháng cuối đời Philípphê_Nguyễn_Kim_Điền

Qua đời và những nghi vấn

Những tháng cuối đời, Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền chữa bệnh tại Tòa giám mục Huế, tuy nhiên Giám đốc Bệnh viện Huế đã có cuộc gặp mặt trực tiếp và cho biết rằng bệnh của ông không thể chữa khỏi. Ông bác sĩ đề nghị giám mục Điền vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh và hứa sẽ hỗ trợ việc thu xếp với chính quyền trong việc xin phép. Vài ngày sau đó, vị giám đốc này mang giấy xác nhận sự đồng ý của chính quyền về đề nghị trên.[16]

Tháng 5 năm 1988,[7] Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được chính quyền Việt Nam cho phép vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, nhưng ông cảm thấy e ngại và lo lắng nên quyết định cư trú tại Tòa giám mục Sài Gòn, với sự chăm sóc y tế của bác sĩ riêng.[3] Tại đây, ông dưỡng bệnh tại tầng dưới và nằm trên một giường xếp, bên cạnh có một bàn nhỏ dùng để viết. Lúc này, Nguyễn Kim Điền mắc nhiều bệnh khác nhau như cao huyết áp, dạ dày, thấp khớp, tiểu đường,...[16]

Đến đầu tháng 6 năm 1988, do tình trạng sức khỏe yếu kém và sa sút trầm trọng, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được đưa vào bệnh viện Nguyễn Trãi trong ngày 4 tháng 6, sau đó ba ngày ông được chuyển sang bệnh viện Thống Nhất và sau cùng vào bệnh viện Chợ Rẫy. Mục đích của ông là chữa bệnh để có đủ sức khỏe nhằm đến Tòa Thánh trình báo về vị ông dự định đặt làm tổng giám mục phó và giám mục mật phong Giacôbê Lê Văn Mẫn.[3] Trước đó, có hai giám mục đến thăm ông và đề nghị ông đến bệnh viện Chợ Rẫy để hoàn thiện hồ sơ bệnh án, nhằm mục đích đưa giám mục Điền chữa bệnh tại Rôma. Mặc dù trước đó Nguyễn Kim Điền có ý định từ bỏ việc chữa bệnh do bác sĩ thừa nhận không thể chữa bệnh của ông, nhưng ông vẫn tiếp tục nằm viện tại Chợ Rẫy sau khi có tin báo rằng giấy tờ chữa bệnh ngoại quốc đã hoàn thiện.[99]

Ngày 6 tháng 6 năm 1988, Thánh bộ Truyền giáo nhận tin xin chuyển đi Roma chữa bệnh của tổng giám mục Điền khi được Nhà nước Việt Nam cho phép và đã được chấp thuận.[3] Hội đồng Giám mục Việt Nam liên lạc xin Tòa Thánh cho tổng giám mục Nguyễn Kim Điền chữa bệnh tại Rôma, Tòa Thánh đã chấp thuận và gửi điện tín một cách nhanh chóng đến Việt Nam. Tuy vậy, chỉ một giờ sau đó,[29] trưa ngày 8 tháng 6 năm 1988, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 67 tuổi, với 41 năm linh mục và 25 năm giám mục, trong đó có 22 năm mục vụ tại Tổng giáo phận Huế.[31] Sự qua đời đột ngột của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gây chấn động đến Tòa Thánh Vatican và Giáo hội Công giáo Rôma.[95] Trong những phút cuối đời, khoảng 13 giờ, ông bấm chuông gọi cấp cứu, tuy vậy không có người đến hỗ trợ và qua đời ít phút sau đó. Tài liệu chính thức ghi giờ qua đời của cố tổng giám mục là 13 giờ 30 phút.[99]

Tại Việt Nam, xuất hiện những nghi vấn về cái chết của giám mục Nguyễn Kim Điền khi ông qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy,[95] nguyên do bởi cái chết của một giám mục có tư tưởng bất đồng chính kiến lại ở một bệnh viện do Nhà nước điều hành. Nội vụ Việt Nam xác nhận tổng giám mục Nguyễn Kim Điền qua đời do bệnh tim.[75] Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý nêu ý kiến của ông này cho rằng tổng giám mục Điền đã bị chính quyền Việt Nam ám hại[7][100] bằng cách cho thuốc độc thông qua y tá vào ngày 6 tháng 6, và cho uống thuốc xổ đến khi qua đời ngày 8 tháng 6. Nữ y tá thừa lệnh cho thuốc độc đã xin lỗi thân nhân cố tổng giám mục, sau đó được đưa sang Đức du học.[7] Đề nghị khám nghiệm thi hài để tìm ra loại chất độc bị từ chối.[101] Cố giám mục bày tỏ sự tha thứ của mình đối với những người liên quan đến vụ việc trên.[99] Các tờ báo, đài phát thanh như VOA, BBC, đài Pháp, đài Chân lý Á châu ở Manila loan tin và bình luận về cái chết của vị tổng giám mục Huế. Dư luận trong và ngoài nước đánh giá chính quyền Việt Nam gián tiếp hoặc trực tiếp hại tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.[22]

Khi Tổng giám mục Huế Nguyễn Kim Điền qua đời, các phương tiện truyền tin đều bị gián đoạn: các đường điện thoại gọi ra Huế đều bị cắt, lúc đó chưa có fax, e-mail và nội bộ các giáo sĩ không có điện thoại. Tất cả các điện tín gửi ra Huế đều được gửi đến khi hoàn tất việc an táng cố tổng giám mục. Tổng giáo phận Huế không biết tin tức về việc qua đời của tổng giám mục Điền nên thành lập một phái đoàn vào thành phố Hồ Chí Minh để thăm và tiễn đưa ông đi Rôma, cùng chuyến viếng thăm hành hương Ad limina ngày 9 tháng 6.[3]

Tang lễ và các hoạt động liên quan

Tổng giáo phận Huế nhận được thông tin về việc Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền qua đời vào ngày hôm sau, 09 tháng 6 năm 1988. Nhà thờ chính tòa Phủ Cam và sau đó Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện nghi thức gieo chuông báo tử (chuông sầu).[gc 9][96] Trên thực tế, các giáo sĩ tại Huế biết được tin này nhờ bản tin từ đài Radio Veritas, Philippines.[102] Nhận được tin tổng giám mục Huế qua đời, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi cố tổng giám mục bằng danh hiệu Grand Figure d’Evêque cho ông trong điện tín chia buồn với giáo dân Tổng giáo phận Huế vào ngày 10 tháng 6 năm 1988.[29]

Linh cữu cố tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền được chuyển về tòa tổng giám mục Sài Gòn. Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ đồng tế vào chiều cùng ngày.[3] Thi hài cố tổng giám mục được đặt tạm trên băng-ca, một hình ảnh gây khó chịu đối với thân nhân của ông cũng như các linh mục phái đoàn Tổng giáo phận Huế. Họ đã chỉ trích tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và các linh mục có trách nhiệm về việc bất kính với thi hài cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.[22]

Nguyên Tổng giám mục phó Stêphanô Nguyễn Như Thể cùng các linh mục Huế sau đó đã tổ chức khâm liệm rồi di quan đến nhà thờ chính tòa Sài Gòn (Nhà thờ Đức Bà) để giáo dân viếng và cử hành lễ vào sáng ngày 11 tháng 6. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình chủ lễ, cùng với 8 giám mục, một Đan viện phụ và khoảng 300 linh mục đồng tế. Sau đó thi hài cố tổng giám mục được chuyển về Huế bằng đường bộ.[3]

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam, nơi diễn ra tang lễ và cũng là nơi an nghỉ của Tổng Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền

Ngày 12 tháng 6, nhận được tin tức về xe chở linh cữu tổng giám mục Nguyễn Kim Điền sẽ về đến Huế trong ngày hôm đó, vào lúc ba giờ chiều, các thanh niên giáo xứ Phủ Cam đã sử dụng xe máy để vào Đà Nẵng nhằm đón xe chở thi hài. Tại giáo xứ, các đoàn thể chuẩn bị, tạo thành hàng dọc từ Tòa giám mục đến Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, kéo dài 2 km. Sáu giờ chiều hôm đó, đoàn xe trên đã về đến giáo xứ Phủ Cam.[gc 10] Thi hài cố giám mục được quàn tại Tòa giám mục trong khoảng thời gian 20 giờ đồng hồ để các đoàn tôn giáo khác đến viếng và đến chiều ngày 14 tháng 6 thì di quan về nhà thờ chính tòa để giáo dân đến viếng. Trong thời gian viếng, các đoàn thể đã liên tục cử hành lễ cầu nguyện và cảm tạ tổng giám mục Điền. Trong các lễ này, giáo dân tham dự rất đông. Chính quyền tại Huế không có hành động gì ngoài việc gửi các mật vụ theo dõi tình hình. Quan tài cố tổng giám mục được thiết kế với phần khung kính tại khuôn mặt, có thể đóng mở bằng mảnh gỗ để giáo dân có thể nhìn mặt cố giám mục lần cuối.[96] Linh cữu tổng giám mục Điền với môi miệng tím bầm, hai tay tím thẫm, hai hốc mắt trái và phải đều tím bầm và có hai bong bóng máu đen sẫm kích thước rất lớn tại hai lỗ mũi, vỡ rồi lại hiện, làm giáo dân có nhiều nghi vấn, sau đó phải cho đóng nắp quan tài.[7]

Lễ an táng được cử hành vào ngày 15 tháng 6, do Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ tế cùng nhiều giám mục và linh mục đoàn Tổng giáo phận Huế.[5][103] Nhiều nguồn tin cho rằng hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ sự tang lễ.[96][5] Tuy số lượng giáo dân ở thành phố Huế và vùng phụ cận chỉ vào khoảng 10.000 người, nhưng số người có mặt, kể cả ngoài Công giáo, do có cảm tình với cố tổng giám mục lên đến khoảng 50-60 nghìn người. Lễ tang cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được linh mục Nguyễn Văn Lý đánh giá là sự kiện quy tụ đông người nhất tại Huế sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.[22] Nhiều quan chức địa phương cũng đã tham dự lễ an táng cố tổng giám mục.[103] Thi hài cố Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được an táng tại cánh trái Cung Thánh trong nhà thờ chính toà Phủ Cam.[104] Tang lễ kết thúc vào 11 giờ cùng ngày, tuy vậy trước sự tham dự và sùng bái của giáo dân, đến chiều tối nghi thức hạ huyệt mới được cử hành.[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Philípphê_Nguyễn_Kim_Điền http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/danh-sach-cac-giam... http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-cong-giao... http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/Ad-L... http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoivn/VanK... http://tonggiaophansaigon.com/baiviet-tintuc/20101... http://www.vietnamdaily.com/index.php?c=article&p=... http://www.europarl.europa.eu/document/activities/... http://ttntt.free.fr/archive/MonseigeurNKDIEN4.htm... http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=... http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=...